Khi tập đoàn nước ngoài trốn ... thi hành án
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam khi kinh doanh ở nước ngoài, đặc biệt là Châu Âu liên tục bị cá nhân, doanh nghiệp nước sở tại kiện đòi bồi thường vi phạm hợp đồng. Và đa số trong những vụ kiện này khi có phán quyết của Tòa án sở tại, các DN Việt Nam đều phải ngậm ngùi bồi thường, (cho dù những vi phạm là không rõ ràng), bởi nếu không bồi thường thì hệ thống luật pháp của nước sở tại sẽ can thiệp, và lúc đó DN Việt Nam “hết đường” làm ăn không chỉ tại nước đó mà còn cả Châu Âu.
![]() Không đồng ý với kết quả bản án, nhưng Keytrade AG lại gửi fax đề nghị đền bù Vinacam 500.000USD để bỏ qua vụ kiện Ở nước ngoài đã vậy, ở trong nước, các DN Việt Nam cũng chịu thua thiệt đủ đường khi có tranh chấp quan hệ với các DN nước ngoài. Đơn cử bị vi phạm hợp đồng, một DN trong nước đã khởi kiện một tập đoàn nước ngoài có văn phòng đại diện (VPĐD) tại Việt Nam và được tòa xử thắng kiện buộc bồi thường hàng chục tỷ đồng. Nhưng chỉ vì những ràng buộc về mặt pháp lý với DN nước ngoài đặt VPĐD để kinh doanh tại Việt Nam chưa chặt chẽ, mà khoản bồi thường này DN Việt không biết bao giờ mới có thể thi hành? Ngày 26/12/2008, Công ty CP Vinacam (Q.1, TP. HCM) ký hợp đồng với Công ty Keytrade AG (có văn phòng tại TP. HCM, trụ sở chính tại Thụy Sĩ) mua lô hàng 25.000 tấn phân urea (xuất xứ từ Nga hoặc Ukraine) với giá 239USD/tấn. Thời hạn giao hàng chậm nhất là 31/1/2009, phương thức thanh toán bằng thư tín dụng không hủy ngang, hợp đồng quy định rõ luật áp dụng là luật Việt Nam và nếu có tranh chấp xảy ra thì sẽ được xét xử bởi tòa án Việt Nam, theo luật Việt Nam. Thực hiện hợp đồng này, ngày 02/1/2009, Vinacam đã mở tín dụng thư bảo lãnh đúng như cam kết tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Tín dụng thư này còn được tu chỉnh ở một vài điểm vào ngày 06/1/2008 theo yêu cầu của Keytrade AG. Tuy nhiên, ngày 08/1/2009, phía Keytrade AG lấy lý do sự kiện Nga ngưng cung cấp khí đốt cho Ukraine, là sự cố bất khả kháng nên Keytrade AG không thể giao hàng cho Vinacam. Trong thông báo bất khả kháng của Keytrade AG có đính kèm thông tin từ Profercy nhưng không đính kèm thông báo của nhà máy và của chính phủ. Không chấp nhận, Vinacam đề nghị Keytrade AG nhanh chóng tìm nguồn phân urea từ Nga để cung cấp cho Vinacam. Bởi theo hợp đồng, nguồn hàng của Nga là ưu tiên số 1 chứ không phải là Ukraine, vì vậy lý do bất khả kháng mà Keytrade AG đưa ra là không có cơ sở. Sau nhiều lần thương lượng, Keytrade AG đề nghị bán cho Vinacam 15.000 tấn SA giá rẻ coi như một sự bồi thường để hủy hợp đồng urea. Do cần hàng urea, Vinacam chấp nhận lùi ngày giao hàng sau 1 tháng nhưng không đồng ý nhận 15.000 tấn SA. Tuy nhiên, những thiện chí mà Vinacam đưa ra đều bị Keytrade AG xem thường; Keytrade AG gửi thư đặt điều kiện cho Vinacam nếu Vinacam chấp nhận tăng giá từ 239 USD/tấn lên 345 USD/tấn, Keytrade AG sẽ tiếp tục giao hàng nhưng thời hạn giao hàng sẽ lùi lại 2 tháng so với hợp đồng đã ký. Không nhận được sự đồng ý tăng giá của Vinacam, Keytrade AG gửi fax tuyên bố hủy hợp đồng với Vinacam. Do Keytrade AG hủy hợp đồng trái pháp luật, phía Vinacam phải chịu thiệt hại nặng nề khi nhiều hợp đồng đã ký kết với các DN trong nước bị hủy nên Vinacam nộp đơn khởi kiện Keytrade AG để đòi bồi thường. Ngày 11/6/2012, TAND TP. HCM đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án. Trước những bằng chứng mà Vinacam đưa ra, TAND TP. HCM đã xử Vinacam thắng kiện và buộc Keytrade AG phải bồi thường thiệt hại vì đã vi phạm hợp đồng cho Vinacam với số tiền hơn 43,6 tỷ đồng (là lợi nhuận mà Vinacam lẽ ra được hưởng nếu Keytrade AG thực hiện đúng hợp đồng). Không đồng ý, Keytrade AG kháng án. Ngày 17/10/2012, TAND tối cao tại TP. HCM xử phúc thẩm, bác đơn kháng án của Keytrade AG và giữ nguyên bản án sơ thẩm. Ngay sau khi bị xử thua và bản án có hiệu lực thi hành, trả lời đề nghị tự nguyện thi hành án của Vinacam, Keytrade AG đã có những bản fax, email đề nghị chuyển cho Vinacam 500.000 USD và hỗ trợ quỹ khuyến học Vinacam 5.000 USD mỗi năm trong vòng 10 năm để Vinacam rút lại các đề nghị thi hành án. Tuy nhiên, đề nghị vô lý này đã bị Vinacam từ chối. Tiếp đó, Công ty Vinacam đã có đơn đề nghị Cục Thi hành án dân sự TP. HCM cho thi hành bản án. Cục Thi hành án cũng đã ra quyết định thi hành án, nhưng triệu tập nhiều lần mà đại diện Keytrade AG tại Việt Nam không đến làm việc. Điều bất thường là, ngay sau khi bị tòa xử thua kiện thì Keytrade AG cũng tiến hành làm thủ tục đóng cửa VPĐD tại Việt Nam. Trước tình hình này, Cục Thi hành án dân sự TP. HCM đã có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn không chấp nhận thủ tục chấm dứt hoạt động của VPĐD của Keytrade AG. Đồng thời, theo đề nghị của phía Vinacam, Cục Thi hành án cũng đã có văn bản cấm xuất cảnh đối với trưởng VPĐD của Keytrade AG tại Việt Nam. Tuy nhiên, dù bị cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn không cho làm thủ tục đóng cửa, VPĐD Công ty này tại Việt Nam vẫn âm thầm đóng cửa khiến việc thi hành án của Vinacam gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, ngày 12/6/2013 Cục Thi hành án dân sự TP. HCM đã phải gửi hồ sơ đề nghị Bộ Tư pháp làm thủ tục ủy thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền của Thụy Sĩ để tống đạt các quyết định thi hành án đối với Keytrade AG. Điều nực cười ở chỗ, với cách làm ăn chộp giật, tráo trở, không uy tín nêu trên, nhưng trong tất cả các bản fax, email thương lượng với Vinacam, phía Keytrade AG đều thòng thêm câu: “Thư này được viết trên cơ sở không làm mất đi hay làm tổn hại tới quyền của Keytrade AG. Nó sẽ không làm tổn hại đến vị thế của Keytrade AG và cũng không thể được hiểu hoặc diễn giải như một sự thừa nhận trách nhiệm pháp lý”?! Luật sư Trần Thái Bình – Văn phòng Luật Nhân Luật (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho biết, những trường hợp tương tự như của Vinacam không phải là hiếm, nhưng để giải quyết vấn đề này thì không đơn giản. Bởi không chỉ vì nước ta và nhiều nước khác trên thế giới vẫn chưa có hiệp định tương trợ tư pháp, mà hiện tại các DN hay tập đoàn nước ngoài khi mở VPĐD giao dịch tại Việt Nam khá dễ ràng, chưa có cơ chế ràng buộc khi các DN ngoại ký kết làm ăn tại Việt Nam, vì thế, khi các DN này “chạy làng” thì DN Việt Nam lãnh đủ”. Ông Vũ Duy Hải, Tổng giám đốc Vinacam cho biết: Keytrade AG là một tập đoàn kinh tế lớn, có giá trị thương hiệu mang tính toàn cầu, có quan hệ kinh doanh và mở VPĐD tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Giữa Vinacam và Keytrade AG đã có mối quan hệ làm ăn tương đối lâu dài, chính vì vậy chúng tôi mới tin tưởng ký kết hợp đồng mà không buộc họ phải có bảo lãnh ngân hàng. Tuy vậy, điều mà chúng tôi hoàn toàn không ngờ tới ở Keytrade AG đó là mặc dù mang danh một tập đoàn kinh tế đa quốc gia tầm cỡ trên thế giới, nhưng khi thị trường có biến động mạnh dẫn tới nguy cơ thua lỗ lớn (đến trên 2,5 triệu USD nếu phải tiếp tục thực hiện hợp đồng với Vinacam - PV), Keytrade AG đã quyết định không thực hiện hợp đồng đã ký với lý do “bất khả kháng” để “chạy làng”. Đây chính là bài học đắt giá của Vinacam và cũng là lời cảnh báo đến DN Việt Nam phải luôn luôn thực hiện đúng luật và yêu cầu đối tác nước ngoài thực hiện đúng luật khi hợp tác kinh doanh. Keytrade AG được thành lập vào năm 1997 có trụ sở tại Zurcherstrasse 66-68, 8800 Thalwil – Thuỵ Sỹ, là một tập đoàn đa quốc gia với hàng chục công ty con và VPĐD trên toàn thế giới và là một trong những tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh phân bón, ngũ cốc và các mặt hàng nông nghiệp khác. Năm 2000, Keytrade AG mở VPĐD tại TP.HCM (tầng 4 tòa nhà E.Town, Q.Tân Bình). Hiện văn phòng này tuy chưa được phép của các cơ quan chức năng nhưng vẫn âm thầm ngừng hoạt động. Các tin khác
|
Nội dung khác
Tin tập đoàn
|